Sau một kỳ nghỉ Tết dài hơi, đã đến lúc mỗi người chúng ta phải trở lại cuộc sống nhộn nhịp, đặt cho mình những mục tiêu mới để có khởi đầu mới thành công.
Ông cha ta từ xưa đã có câu “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” nên sau kỳ nghỉ lễ dài, tâm lý vui chơi “hậu Tết” khiến nhiều bạn trẻ phải loay hoay mới trở lại được guồng quay trong cuộc sống nhộn nhịp.
Trước kỳ nghỉ Tết vài ngày, mấy ai không hí hửng vì cuối cùng sau một năm học tập, làm việc vất vả thì đã đến lúc được tranh thủ nghỉ ngơi, lấy lại sức.
Quay lại guồng quay công việc sau kỳ nghỉ lễ
Không bỏ phí thời gian “vàng”, người thì tập trung vào chuyện ăn chơi, người lại mải mê cho kỳ nghỉ dưỡng được ăn ngủ “thả phanh” không phải chú ý điều gì.
Từ cuộc sống bận rộn với bao lo toan, nay được nghỉ ngơi nên dễ bị cuốn vào những ngày cho phép bản thân buông lỏng, vô tình hình thành thói quen, cho mình cái quyền được nhác việc. Coi thời gian hậu Tết là giai đoạn “chạy đà” rồi mới bắt nhịp lại cuộc sống nhưng mấy ai làm được hay vẫn mải mê với hội hè.
Học sinh, sinh viên sau kỳ nghỉ Tết chỉ muốn ở nhà chẳng chịu đến trường đi học, do tư tưởng “thịt mỡ dưa hành” vẫn theo chân đến tận giảng đường, người lười biếng hơn thì xin phép nghỉ một hai ngày mới chịu đi học, nhân viên đi làm thì ngủ quên cả trong giờ vì quen giấc,…
Chẳng khó dẫn chứng khi chúng ta chỉ cần lướt một vòng Facebook, trên mạng xã hội các bạn trẻ chia sẻ rầm rộ những hình ảnh ăn uống, vui chơi ở muôn nơi. Đó là tâm thế chưa sẵn sang để trở lại công việc nói chung của hầu hết mọi người. Tuy nhiên, hành động này lại càng khiến cho chúng ta trở nên lún sâu hơn vào những tháng ngày ăn chơi không kiểm soát.
Tôi vẫn còn nhớ ngày học cấp một, để giúp chúng tôi trở lại học tập, ngày khai Xuân buổi học đầu tiên cô giáo đã mừng tuổi mỗi bạn một chiếc kẹo ngọt. Học lên cấp 2, cấp 3 thì cô giáo treo thưởng nếu học sinh nào vẫn nhớ kiến thức trong năm, làm bài tập cô giao trước khi nghỉ Tết thì sẽ được thưởng điểm 10. Chỉ với những hành động đơn giản như thế thôi nhưng đã giúp chúng tôi hào hứng hơn để đến trường.
Ở các trường đại học, sinh viên phải học xa nhà cả trăm, thậm chí cả nghìn cây số là chuyện bình thường. Đi học xa, ngoài dịp nghỉ hè thì chỉ có nghỉ Tết mới được ở bên gia đình lâu nhất nên chuyến xe trở lại trường học sau kì nghỉ Tết luôn khiến các bạn sinh viên có đôi chút rụt rè, chỉ muốn nán lại thêm bên gia đình.
Người đi làm thì cũng chưa thể tập trung vào công việc khi những cuộc hẹn đầu xuân cứ liên tục gọi mời. Tư tưởng “tháng ăn chơi” hay thái độ nhập cuộc công việc uể oải luôn tồn tại phổ biến trong giới trẻ, học sinh và sinh viên.
Tư tưởng nghỉ ngơi ăn chơi quên việc sau kỳ nghỉ Tết dài ngày của dân Văn phòng
Biết rằng đó là thời điểm lễ hội vào mùa, là thời tiết lý tưởng cho những cuộc vui nở rộ nhưng người trẻ thế kỷ XXI nên suy nghĩ một các tích cực hơn. Đừng chỉ mải đắm chìm vào những cuộc vui chơi để rồi mất quá nhiều thời gian vào việc bắt đầu như thế nào, từ đâu để trở lại phong độ bạn đã từng đạt được.
Cuộc vui ai cũng muốn, nhưng cuộc vui nào cũng có hồi kết để trả lại quy luật vốn có của nó. Thay vì cứ mải mê hưởng thụ thì bạn nên tập trung ngay từ đầu, tạo cho mình một khí thế sẵn sàng “chiến đấu” với nhiệm vụ mới.
Cân bằng giữa vui chơi và công việc, tập trung lao động để tạo ra của cải vật chất, lấy sức trẻ của chính mình để chiến thắng những cám dỗ của “tháng ăn chơi”.
Luôn nhớ, có vui chơi nhưng “không quên nhiệm vụ” để ngày Tết là một kỳ nghỉ lành mạnh, hào hứng trước khi nghỉ và đầy năng lượng khi kết thúc.
Trở lại guồng quay nhộn nhịp của cuộc sống thôi! Hết Tết rồi bạn nhé!
Theo Dantri